Back

Aikido và mình - Trưởng thành

aikido, inspiration

Author: Nhi Hà

Ngày mới của mình bắt đầu từ lúc năm giờ, rời khỏi nhà khi thành phố còn đang chìm trong giấc ngủ say, lên sân võ và bắt đầu buổi tập mới. Không khí mát mẻ của buổi sớm mai dần dần đánh thức tất cả các giác quan. 

 

Một số người quen hay hỏi: "Mày học võ lâu như vậy thì hạ gục được bao nhiêu người?", hay những lần có xích mích, va chạm hay dùng lời lẽ công kích thì nói: "Nhảy vô xử nó đi". Khi đó, mình chỉ mỉm cười. Mình nhìn thấy mình cái thuở mười mấy năm về trước khi vừa chập chững bước vào sân tập.


Mình vẫn thầm cảm ơn vì vẫn có thể lên sân tập vài buổi sáng trong tuần. 

 

Mình tôn thờ môn võ này như một điểm tựa tinh thần, một kim chỉ nam cho nguyên tắc sống và cách đối nhân xử thế. Giá trị cốt lõi của Aikido là những điều mà người tập ngày một ngày hai không thể cảm nhận được. Để thấu cảm được những giá trị đó, ta phải trải qua bao năm tháng rèn luyện, qua sự sờn vai của chiếc võ phục ta mang trên người và đôi khi là đánh đổi bằng máu và nước mắt. Bên cạnh đó, ta không thể thiếu đi sự chia sẻ của thầy, sự giúp đỡ của anh em đồng môn trong từng điều nhỏ nhặt nhất. 

 

Aikido không dạy mình cách hạ gục đối phương, môn võ này dạy mình cách hoán đổi những điều tiêu cực, chuyển hóa những nguy hiểm đe dọa về một hướng tích cực hơn. Mình hiểu hơn về những nguy hiểm có thể xảy ra cho mình và đối phương khi sử dụng đòn thế đó và dùng cách chuyển hoá nó trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng đủ có thể bảo vệ chính mình. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Aikido được đặt cho cái tên là "Môn võ của tình thương".

 

Môn võ này dạy người học phải biết tôn trọng và biết ơn những điều nhỏ nhặt nhất, qua việc chào tấm thảm tập trước và sau những lần tập, chào thầy, chào đồng môn trước khi cần được hỗ trợ và sau đó sẽ chào cảm ơn vì họ đã hỗ trợ. Nhờ sự giúp đỡ đó, chúng ta mới có cơ hội được rèn luyện và học hỏi. Mình bất giác rùng mình khi viết đến đây, nhớ lại lời chào đầu tiên mỗi lần gặp gỡ người mới khi giao tiếp với người Nhật. Sau những lời giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp..., bao giờ họ cũng kết câu bằng một lời đề nghị "Dojo Yoroshiku Onegaishimasu!” – “ Xin hãy chỉ dạy cho tôi” – kèm theo nghi thức chào gập người. 

 

Mỗi khi gặp người Nhật, họ hay hỏi mình lý do vì sao học tiếng Nhật? Mình thích làm việc cho công ty Nhật chăng? Ồ không, mình học tiếng là vì Aikido. Có một ngày đẹp trời, mình dắt một người bạn Nhật lên tham quan sân tập. Bạn nhìn vào bảng thống kê đòn và giải thích cho mình bằng tiếng Anh ý nghĩa từ tên gọi các đòn thế theo tiếng Nhật. Mình bất giác nghĩ, chỉ có đào sâu vào ngôn ngữ thì mình mới có thể hiểu được văn hoá và có thêm tư liệu để giới thiệu cho các bạn võ sinh. 


Mình bắt đầu học tiếng Nhật là vì Aikido và mình muốn đến Nhật để học Aikido. Việc học tiếng của mình cũng rất trầy trật vì tiếng Nhật không phải là một ngôn ngữ dễ tiếp thu. Ban đầu, mình học ở Đông Du, mình chật vật khi phải nhồi nhét kiến thức vào đầu như cái máy. Mình nghỉ học giữa chừng vì cảm giác chán nản. Sau một năm tạm dừng, mình quay lại học tiếng ở trường First Study Hồ Chí Minh như một cách để thư giãn sau giờ làm việc. Đây là chi nhánh của trường chính ở Osaka. Mỗi đầu khóa, trường luôn phát cho tụi mình một bảng khảo sát với những câu hỏi bạn học tiếng Nhật để làm gì, bạn mong muốn sẽ đạt được trình độ Nhật Ngữ nào, và bạn muốn khi nào sẽ đạt được trình độ đó. Trường của mình có ưu điểm là có rất nhiều giáo viên người Nhật. Bạn cùng lớp của mình lúc đó toàn là sinh viên, những bạn mới ra trường và dĩ nhiên mình là đứa già nhất lớp, nhiều khi còn già hơn cả giáo viên người Nhật.


Vào các buổi đầu tiên trong một khoá, chúng mình hay có giờ tự giới thiệu về bản thân. Mình nghe các bạn sinh viên nói chuyện lưu loát và đầy tự tin về mục đích học tiếng Nhật của bạn là để làm cho công ty Nhật, để đi Nhật làm tu nghiệp sinh. Còn mình, mình nói không rành rọt như các bạn nhưng các cô lúc nào cũng chăm chú lắng nghe và khuyến khích mình nói. Các cô sửng sốt khi biết được mục đích của mình. Ngay cả họ cũng chưa biết gì về môn võ cổ xưa của Nhật Bản. Trong khi đó, một đứa người Việt như mình lại tôn thờ và khát khao tìm hiểu về võ đạo. Có lẽ vì thế, các cô luôn ở bên hỗ trợ và giải đáp tất cả những thắc mắc của đứa học trò cá biệt không chỉ về việc học ngôn ngữ mà còn là cả văn hoá Nhật. 

 

Quay trở lại với Aikido, điều khiến Aikido khác biệt với các môn võ khác đó là bên cạnh luyện tập đòn thế còn phải học về võ đạo. Chiếc quần hakama mà mọi người nhìn vào cứ tưởng là chiếc váy có bảy nếp gấp tượng trưng cho bảy đức tính của người võ sĩ: Bushido.

 

1) (Gi – Công lý)

 

2) (Jin – Nhân từ)

 

3) (Yu – Can đảm)

 

4) (Ray – Lịch sự)

 

5) (Makoto – Giữ chữ tín)

 

6) 名誉 (Meyё – Danh dự)

 

7) 忠義 (Chu gi – Trung thành)

 

Mình rất tự hào mỗi khi được mặc hakama. Nó nhắc nhở mình luôn phải gìn giữ những nguyên tắc ấy không chỉ trong sân tập mà còn là trong cuộc sống.

 

Trước khi tập Aikido, mình là một đứa trẻ nhút nhát, hay run sợ mỗi khi tập đối luyện bằng gậy hoặc kiếm gỗ với đồng môn. Thậm chí mình hay nhắm nghiền mắt mỗi khi đường kiếm của bạn vung lên và dừng lại bên đầu. Lúc đó, thầy của mình dạy: “Con hãy mở mắt ra nhìn vào đối thủ. Khi một trận đấu kiếm bắt đầu, ta chỉ cần nhìn vào ánh mắt hai võ sĩ là có thể biết được kết quả về sau”. Aikido dạy mình cách mở mắt đương đầu với thử thách, nhìn trực diện vào mắt đối thủ chứ không né tránh. Ánh mắt mình từ đó dần dần trở nên sắc sảo hơn.

 

Mình vẫn nhớ những bài tập khắc nghiệt vào mỗi sáng Chủ Nhật của anh Hoàng Anh – vị sư huynh đáng kính của CLB Aikido Bình Thạnh. Có những bài tập chém shomen [shomen là kỹ thuật dùng gậy dài hoặc kiếm gỗ chém thẳng vào trước mặt đối thủ] cả trăm cái một lần, tay mình run lên từng cơn mỏi nhừ, chỉ muốn thả lỏng tay, buông cho kiếm từ từ rớt tự do xuống đất. Nhưng quy tắc của người võ sĩ sẽ không bao giờ được đánh rơi vũ khí của mình. Họ phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Thực sự là chưa bao giờ mình đánh rơi vũ khí cả. Mình vung kiếm hết mình, cùng tiếng thét kiêu hãnh của người võ sĩ chẳng hề biết run sợ. Trong cuộc sống, khi cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi một vấn đề nào đó, một nửa còn lại của mình lên tiếng rằng mình chưa bao giờ buông xuôi mỗi lần tập, mình có thể làm được tất cả nếu mình chú tâm. Mình tin là mình sẽ làm được và mình tiếp tục thực hiện. 

 

Hôm rồi, mình có gặp giám đốc bên công ty khách hàng. Sau khi trao đổi về công việc, anh có nhận xét với mình: "Anh thực sự không thể tin được em có thể thành công ở mảng tuyển dụng vì cái chất bên trong của em khác hẳn với các bạn nhân sự khác. Nhưng anh thấy em có sự điềm tĩnh và thu hút đến lạ. Sự thu hút không phải là kiểu thu hút giữa nam và nữ mà là do sự điềm tĩnh quan sát, xử lý công việc". Mình chỉ cười: “Anh hỏi em Aikido đã có ảnh hưởng như thế nào với công việc và cuộc sống của em. Thì đây là câu trả lời. Aikido dạy em cách để đi ngược lại đám đông dựa trên nền tảng là sự hiểu biết của em về những tố chất của bản thân. Em học được cách kiểm soát suy nghĩ từ mỗi lần em tập kiếm, học nhìn vào đối thủ và những thử thách trong cuộc sống bằng sự bình tâm của một người võ sĩ". Người ta có thể thấy chất của một môn võ qua các bài đối luyện nhưng để họ thấy cái thần thái của một môn võ chỉ qua bề ngoài thì đó là một đỉnh cao khác. Mình đã làm được. 

 

Mình sẽ không có được ngày hôm nay nếu không có sự dạy dỗ từ các thầy cô, sự dìu dắt của các sư huynh sư tỷ, sự trao đổi kiến thức với các bạn đồng môn. Aikido đã làm thay đổi con người và cuộc đời mình như thế thì sao mình lại có thể ích kỉ giữ lại điều đó cho riêng mình? 

Bài viết tri ân tổ sư Morihei Uashiba người sáng lập ra môn võ Aikido.

 

Cảm ơn mẹ và anh Hai đã lựa chọn và khuyến khích con tập luyện môn võ này.

 

Kính tặng các thầy cô, các sư huynh, sư tỉ và các bạn đồng môn Aikido.


Kính tặng Junko Sensei, Kumiko Sensei, Yuma Sensei, Aika Sensei, Hoàn Sensei đã hỗ trợ Nhi hết mình trong quá trình học ngôn ngữ.

 

Aikido Bình Thạnh, 5/5/2021

Author: Nhi Hà 

Proofreader: Xuân Hiền


DREAM IT and MAKE IT

My Name

Nhi Hà

My Job

Technical Recruiter

My City

Saigon

Email

nhiha@jobseeker.vn

Skype

hahoainhi

Job List

https://jobseekers.vn/employer/hh-nhiha/

Facebook

https://www.facebook.com/nhihotrac

Linkedin

https://www.linkedin.com/in/hahoainhi/

Website

https://www.youtube.com/c/HoaiNhiHa15