Ngồi yên với lũ trẻ – Một năm dạy võ, dạy lòng
#nhatkylamthay
Author: Nhi Hà
Sau chuyến đi xa ra miền Bắc, tôi trở về Sài Gòn và nhận ra mình nhìn thành phố bằng một đôi mắt khác – sâu sắc hơn, chậm rãi hơn. Những điều từng quen thuộc bỗng trở nên mới mẻ. Tôi bắt đầu lang thang khắp những con hẻm nhỏ từ quận 8 đến quận 9 – những nơi tôi chưa từng đặt chân tới. Ở đó, tôi gặp nhiều mảnh đời đặc biệt.
Lũ trẻ tôi gặp thật lanh lợi, sống động như những bụi cỏ dại đầy sức sống. Các chị quản lý lớp dặn dò tôi:
“Em dạy tụi nhỏ đánh đấm nhớ cẩn thận, tụi nó dễ bị thương lắm!”
Nghe kể lại, tôi biết đám học trò nhỏ này thường tụ tập ra công viên, chia bè kết phái đánh nhau. Tôi cười, nói đùa với các chị:
“Em không dạy tụi nhỏ đánh nhau đâu. Có khi tụi nó đánh giỏi hơn em ấy chứ!”
Thế là tôi bắt đầu nghĩ về một giáo án phù hợp – không chỉ dạy kỹ năng tự vệ, mà còn dạy cách làm người.
Lớp học bắt đầu từ một ngày đầu tháng 3 năm 2024, vào mỗi sáng thứ Bảy. Trong buổi đầu tiên, tôi nhớ lại một tiêu chí trong bộ môn mình theo học: muốn trở thành huấn luyện viên, bạn phải từ 30 tuổi trở lên. Trước kia tôi từng thấy quy định ấy có phần “lạ đời”, nhưng nay thì hiểu rồi. Tuổi tác và những trải nghiệm sống khiến tôi đủ chậm rãi để lắng nghe, để thấu hiểu. Tôi nhận ra: giáo dục không chỉ bằng lời nói (ngôn giáo), mà còn bằng hành động và sự hiện diện (thân giáo). Làm thầy không dễ, làm thầy dạy võ – lại càng không dễ hơn.
90% học trò của tôi từng trải qua bạo hành thể chất hoặc tinh thần trong gia đình. Những tổn thương ấy được các em lặp lại lên bạn bè, anh chị em – một cách vô thức. Có em dễ kích động, có em lại co rúm lại khi bất an. Tôi tự hỏi: Mình có thể làm gì để giúp các em ít bạo động hơn, bình tĩnh hơn?
Tôi từng đến lớp vào những ngày học chữ – nơi ồn ào như cái chợ nhỏ, tiếng nói chuyện lấn át cả tiếng giảng bài. Lũ trẻ hồn nhiên, tinh nghịch đến mức khiến người lớn vừa mệt vừa buồn cười.
Lớp học võ của chúng tôi luôn bắt đầu bằng việc… ngồi yên – hay nói chuyên ngành hơn là “ngồi thiền”. Cả lớp cùng ráp thảm, rồi ngồi quỳ theo kiểu Seiza (quỳ kiểu Nhật) trong ít nhất 15 phút. Tôi chọn cách ngồi này vì nó giúp lưng thẳng, cơ thể nghiêm túc, và quan trọng hơn – giúp tâm trí các em được lắng lại.
Chúng tôi cùng ngồi thở, tôi hướng dẫn các em tập trung vào hơi thở vào-ra. Điều bất ngờ là dù chưa quen tư thế, các em thực hiện rất tốt. Sau phần ngồi yên là phần luyện ngã an toàn, đan xen những câu chuyện đời thường – về gia đình, về trường lớp, về cảm xúc của chính các em.
Chính nhờ những lần tâm sự ấy, hình ảnh người “thầy dạy võ nghiêm túc” trong tôi cũng trở nên mềm mại hơn. Tôi và các em dần gần gũi như những người bạn. Nhờ vậy, tôi biết rằng trước đây, các em từng được một giáo viên tình nguyện khác hướng dẫn ngồi yên rồi!
Tình cờ một lần, tôi thấy trên kệ sách của lớp, có xếp ngay ngắn những quyển Thiền Ca Làng Mai được photo. Những bài ca giản dị, nuôi dưỡng tâm hồn bằng tình yêu quê hương, con người, và sự sống. Tôi kế thừa và tiếp tục sử dụng những học liệu ấy, như một cách tưới tẩm hạt mầm thiện lành trong tâm các em – mong giúp các em dần buông xuống những hành vi bạo động, và cũng để chính tôi được quay về với những bài học của Sư Ông (Thiền sư Nhất Hạnh).
Một năm trôi qua, lớp học bé nhỏ ấy trải qua nhiều đổi thay. Có bạn đến rồi đi vì tiếng gọi của cơm áo gạo tiền, vì những cám dỗ đời thường. Tôi không dám nhận mình là “người dạy”, vì chính tôi đã học được từ các em nhiều bài học về cuộc sống. Các em trở thành người bạn đồng hành trên con đường tu học của chính tôi.
Và rồi, như một sự sắp đặt tuyệt diệu, trong khóa tu Wake Up dành cho người trẻ, tôi tình cờ gặp lại người thầy cũ của các em – người từng dạy các em ngồi yên. Chúng tôi chào nhau với chút ngại ngùng, lạ lẫm. Nhưng khi nhắc đến lớp học, đến những đứa trẻ bé nhỏ, lòng đồng điệu trỗi dậy. Chúng tôi ôm nhau bằng thiền ôm chánh niệm, vỡ òa trong niềm biết ơn.
Ở đâu đó, những hạt giống tốt lành đang âm thầm được gieo trồng. Và ở đâu đó, bạn biết rằng mình không hề đơn độc trên hành trình này.